Đầu năm 2022, thị trường bất động sản từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng tới vùng núi đều lên cơn sốt, theo đó, giá đất liên tục tăng mạnh chỉ trong thời gian ngắn. Thậm chí, giá đất còn biến động theo ngày, do vậy nhiều nhà đầu tư mua bán, sang tay nhanh cũng có lãi hàng trăm triệu đồng.
Không ít người thấy thị trường bất động sản diễn biến sôi động cũng cảm thấy nôn nóng, muốn xuống tiền nhanh chóng. Anh Hải Hà, nhà đầu tư tay ngang tại Hà Nội cho biết, đầu năm 2022, thấy các thông tin sốt đất tràn ngập khắp nơi. Anh tạm dừng các công việc mở rộng kinh doanh, dồn hết tiền của và vay thêm ngân hàng để mua 3 mảnh đất có tổng diện tích 300m2, với giá 9 tỷ đồng tại Bắc Ninh.
Sau khi mua một thời gian ngắn, các mảnh đất của anh đều tăng giá khoảng 10%. Lúc này, anh Hà tự tin, chỉ cần đến cuối năm sẽ tăng giá ít nhất 50% so với thời điểm xuống tiền. Tuy nhiên, mọi kỳ vọng của anh đều đổ vỡ, vì nhiều vấn đề tác động đã khiến thị trường đột ngột rơi vào trầm lắng.
“Vừa mua xong thì giá đã tăng, tôi tưởng rằng sẽ có một năm thắng đậm. Tuy nhiên, những diễn biến sôi động qua đi quá nhanh, thay vào đó là tình trạng giảm giá, thanh khoản sụt giảm,...”, anh Hà nói.
Theo anh Hà, trước sức ép tài chính và lãi suất liên tục tăng cao. Anh chấp nhận giảm giá để bán đi những mảnh đất đang sở hữu. “Dù không muốn nhưng cũng phải chấp nhận giảm giá 2 tỷ đồng để bán đi 2 mảnh đất. Một mảnh còn lại có vị trí đẹp tôi giữ lại chờ đến khi tăng giá, coi như gỡ gạc phần mất hiện tại”, người này nói.
Anh Hà không phải trường hợp duy nhất trên thị trường mua đúng khi mức giá đạt đỉnh sau đó phải chấp nhận bán lỗ để thoát hàng. Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất cho vay vẫn neo cao như hiện nay.
Không chỉ những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính đối mặt với sức ép. Các nhà đầu tư sử dụng tiền mặt cũng đang lo lắng sẽ bị chôn vốn suốt thời gian dài. Anh Nguyễn Khánh, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết, đầu năm 2021, anh chi 5 tỷ đồng để mua 2 mảnh đất, có tổng diện tích 200m2 tại vùng ven Hà Nội. Tất cả số tiền đầu tư này là của anh Khánh, nhưng vẫn lo lắng sẽ lâm cảnh chôn vốn.
“Bây giờ nếu bán đi phải chấp nhận cắt lỗ rất sâu, còn giữ lại thì không biết khi nào mới bán được hòa vốn. Thực tế, trong đầu tư chỉ cần giá đứng im là đã coi như thua, chưa nói với việc giá và thanh khoản hiện nay liên tục giảm”, nhà đầu tư này nói.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho hay, quan ngại nhất đối với nhiều nhà đầu tư hiện nay là nguồn vốn lấy từ đâu khi ngân hàng siết tín dụng. Chưa kể, có nhiều nhà đầu tư đang vay vốn dở dang sẽ gặp nhiều áp lực khi lãi suất tăng cao.
“Có tới hơn 50% các nhà đầu tư đang bị mắc kẹt trong việc vay vốn đầu tư bất động sản và tiến thoái lưỡng nan. Nếu họ tiếp tục vay thì chi phí vốn sẽ tăng rất cao nhưng muốn bán cũng không được. Họ có lựa chọn trả lại sản phẩm cho chủ đầu tư, nhưng chi phí phạt rất lớn nên buộc phải đi vay tiếp để duy trì. Nếu không thể vay được, nhà đầu buộc phải bán cắt lỗ”, bà Dung nhấn mạnh.
Song, trước những hành động quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản của Chính phủ vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là tín hiệu tích cực giúp thị trường sẽ sớm ổn định trở lại. Thời điểm hiện tại nhà đầu tư nên xác định chuyển đổi mục đích đầu tư sang trung và dài hạn thay vì “lướt sóng” như giai đoạn thị trường sôi động trường trước kia.
Việt Nam New - Vietnamnew.vn All Right Reserved
Việt Nam New Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
vietnamnew.vn giữ bản quyền trên website này
Email : mediavietnam9999@gmail.com